Mua xe cỡ nhỏ thường là những người mua xe lần đầu, hoặc số ít mua thêm khi trong nhà đã có một xe khác. Bỏ qua những người đã giàu có, rủng rỉnh tài chính thì mua xe theo sở thích, không phải cân nhắc nhiều. Còn lại, số đông những người đang cố gắng để sở hữu ôtô, cụ thể là một mẫu xe cỡ nhỏ A, B thì nên suy nghĩ tới những điều kiện gì.
Để trả lời được câu hỏi chiếc nào xe thì phù hợp, các bạn cần biết rõ chiếc xe yêu thích và chiếc xe phù hợp đôi khi không giống nhau. Có những mẫu xe bạn rất ưa thích về kiểu dáng, tiện nghi lung linh nhưng mức giá lại không "ưa thích" bạn, thì cũng đành nói câu tạm biệt. Hãy đặt lên bàn cân các yếu tố giá, công năng và thẩm mỹ để lựa chọn.
Giá niêm yết, lăn bánh
Đây là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới những người đang cố mua xe sau thời gian dài tích cóp, hoặc vẫn phải vay thêm ngân hàng trả góp. Để chọn xe đừng nhìn vào mức giá bán của hãng, mà hãy tính tới mức giá đến khi lăn bánh, vì các chi phí sẽ ngốn thêm của bạn gần 100 triệu nếu mua xe có giá niêm yết 600-700 triệu.
Hai xe chênh lệch nhau tầm 30-40 triệu có thể không nhiều nếu nhìn vào tổng thể giá xe nhưng tính ra chi phí lăn bánh sẽ rất khác.
Ví dụ hai xe có giá niêm yết chênh nhau 40 triệu, nếu đăng
ký biển số ở Hà Nội, bạn sẽ tốn 12% phí trước bạ, như vậy phải trả thêm 40*12%=4,8 triệu, tức tổng chênh lệch lên hơn 48 triệu.
Công năng
Sau mức giá thì đây là phần quan trọng không kém để đưa ra quyết định chọn xe. Một mẫu xe rẻ nhưng không đủ công năng thì không nên mua, ngược lại công năng đủ, thậm chí thừa nhưng giá lại đắt thì cũng không phải lựa chọn hợp lý.
Công năng ở đây cần hiểu là phù hợp với mục đích, nhu cầu của người sử dụng. Một người mua xe về chạy dịch vụ đương nhiên chỉ cần chiếc số sàn, 2 túi khí, phanh ABS là đủ, còn lại "có hay không, không quan trọng". Nhưng nếu bạn mua xe cho mình và gia đình sử dụng, hãy quan tâm nhiều hơn đến những công nghệ trên xe.
Theo tôi, trong điều kiện giao thông hiện nay, bắt buộc phải có là nhiều túi khí, các công nghệ phanh như ABS, BA, EBD, cân bằng điện tử, trợ lực tay lái điện, cảm biến, camera lùi. Đó là những thứ thiết yếu. Còn lại điều hòa không tự động thì dùng cơ, cửa sổ trời không có cũng không sao, sạc điện thoại không dây, đèn LED ban ngày cũng không quá quan trọng.
Nếu lựa chọn mua xe gầm cao, ở Sài Gòn và Hà Nội, Vinh ngày càng ngập nặng, vụ Mercedes GLC bị vào nước vi sai cầu trước là một minh chứng. Rõ ràng gầm cao sẽ chiếm ưu thế hơn.
Thẩm mỹ
Nói nôm na là thiết kế và "độ bền" của thiết kế. Một thiết kế có thể đẹp trong khoảng 2 năm đầu tiên, nhưng sau đó thấy không còn đẹp vì bị xu hướng thay đổi quá nhanh. Ngược lại, có những thiết kế không thực sự quá bóng bẩy, uốn lượn, cắt xẻ nhưng 5 năm thấy vẫn vừa mắt.
Đẹp-xấu chỉ là cảm nhận của mỗi người, dưới góc độ sử dụng hàng ngày tôi nghĩ thiết kế phù hợp là loại thiết kế song hành với lứa tuổi, tính cách và cả ngoại hình của chủ xe. Chẳng vậy mà khi Toyota thay đổi thiết kế Altis năm 2014, độ tuổi trung bình của khách trẻ ra hẳn, nhưng lại mất lớp khách trung niên và khu vực công sở, cơ quan nhà nước. Thực tế từ sau khi đổi thiết kế, doanh số Altis ở Việt Nam đi xuống rõ rệt.
Các hãng xe Hàn đi nhanh nhất trong việc thay đổi xu hướng thiết kế, bởi đó là một trong những thứ họ chọn làm thế mạnh. Nhưng cũng vì thay đổi nhanh, xe chưa kịp mới đã cũ, bị thay thế bởi phong cách khác. Trong khi đó xe Nhật chậm thay đổi hơn, nhưng về lâu dài trở thành chậm cập nhật, cũng không phải điều tốt. Chỉ có xe Đức là khó chê về thiết kế, nhưng hầu hết toàn xe sang, chỉ dành cho số ít.
Trên đây chỉ là những quan điểm mà tôi đúc rút từ bản thân cũng như các thông tin tự thu thập. Còn những thứ khác như chất lượng sản xuất, cảm giác lái, độ bền thì xét sau khi đã đảm bảo các yếu tố cơ bản ở trên.
Điều này có thể không đúng với đa số, nhưng chí ít có thể giúp cho những người đang mông lung không biết chọn chiếc xe đầu tiên thế nào có công thức để soi chiếu.
Độc giả
Nguyên Khoa